Đục thể thủy tinh (TTT) là khi xuất hiện vùng đục trên TTT vốn trong suốt, làm các tia sáng khi đi vào mắt bị lệch hướng hay bị cản trở. Người bị bệnh có cảm giác nhìn qua màng sương khói, mờ đục, nhìn có quầng, màu sắc kém sinh động. Phẫu thuật TTT dường như là phương pháp duy nhất để điều trị đục TTT khi nó bị mất tính trong suốt. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân cần hỏi bác sĩ để rõ thế nào là IOL? Phương thức hoạt động của nó như thế nào?
Những lưu ý về trình tự của một cuộc phẫu thuật TTT
Trước khi mổ
Bệnh nhân sẽ phải làm nhiều xét nghiệm, trong đó công việc tính toán công suất của IOL là quan trọng nhất. Một vài loại thuốc cũng có thể được kê toa để sử dụng. Ngược lại, có những thuốc sẽ không được dùng nữa như thuốc chống đông chẳng hạn bởi có thể gây chảy máu trong phẫu thuật. Người bệnh có thể được nhỏ vào mắt phẫu thuật thuốc chống viêm, giãn đồng tử, kháng sinh hay thuốc sát trùng.
Với phương pháp mổ phaco, một dụng cụ siêu âm sẽ làm vỡ nát vùng trung tâm của nhân mắt, sau đó hút nó ra ngoài.
Ngày diễn ra phẫu thuật
Có thể phẫu thuật viên sẽ yêu cầu người bệnh nhịn ăn đồ ăn rắn, chí ít là 6 giờ trước khi mổ. Trình tự cuộc mổ thường sẽ diễn ra như sau:
Bệnh nhân có thể được nhỏ mắt, tiêm cạnh mắt hoặc tiêm truyền thuốc làm giảm đau khi mổ. Bệnh nhân cần thức khi mổ để nhìn đèn hay chuyển động mắt khi được yêu cầu.
Phẫu thuật viên rạch một đường rất nhỏ bằng dao hoặc tia laser ở vùng rìa giác mạc, qua đường rạch này dụng cụ siêu âm sẽ được đưa vào để tiếp cận TTT. Dụng cụ làm tán nhuyễn nhân mắt rồi hút ra ngoài. Sau cùng IOL sẽ được đưa vào vị trí thay thế cho TTT đục trước đó. Thường thì vết rạch sẽ tự liền theo thời gian. Bệnh nhân sẽ được đeo tấm bảo vệ mắt hay băng mắt để thúc đẩy quá trình làm sẹo cho vết mổ. Người bệnh lưu lại ở khu hồi tỉnh khoảng 15-30 phút, sau đó có thể ra về.
Những điều cần làm sau phẫu thuật
Thời gian hồi phục sau phẫu thuật, thường là vài ngày hay vài tuần. Bệnh nhân phải uống, nhỏ thuốc theo đơn của bác sĩ. Cần tránh để xà phòng hay nước tiếp xúc trực tiếp vào mắt. Không nên day dụi mắt. Có thể đeo kính màu hay tấm bảo vệ mắt nếu bác sĩ yêu cầu.
Ban đêm để tránh thương tích hay va đập vào mắt, nên đeo kính hay tấm bảo vệ mắt. Tuân thủ những lời dặn của bác sĩ về những hoạt động thể lực nào có thể tiến hành sớm sau phẫu thuật, làm sao để an toàn với các hoạt động thể lực, chơi thể thao, lái xe, khi nào có thể bình thường hóa mọi hoạt động...
Mổ phaco điều trị đục TTT là phương pháp được thực hiện phổ biến ở các bệnh viện.
Nguy cơ và biến chứng của phẫu thuật đục TTT
Cũng như các phẫu thuật khác, phẫu thuật đục TTT cũng có những tai biến và biến chứng. Có thể kể ra sau đây như: nhiễm khuẩn, chảy máu, phù nề tại mắt và quanh mắt, phù võng mạc, bong võng mạc, tổn hại các vùng phụ cận, đau nhức, giảm hay mất thị lực, IOL có thể bị đặt lệch, rơi khỏi vị trí an toàn...
Đục bao sau TTT thứ phát
Thị lực có được sau mổ có thể lại bị giảm hay mất sau mổ vài tháng, vài năm. Biến chứng này không phải là phổ biến. Các bác sĩ thường gọi là đục bao sau (PCO), có tên khác là đục TTT thứ phát hay tổ chức xơ sẹo. Màng đục này sẽ gây ra cảm giác mờ lại, khi đó cần can thiệp bằng laser. Tia laser sẽ khoan thủng một lỗ ở bao sau đang bị đục, gọi là thủ thuật mở bao sau bằng laser YAG. Thủ thuật này sẽ trả lại cho người bệnh thị lực như xưa.
Bệnh nhân cũng cần lưu ý là mổ TTT không thể là giải pháp cho mọi bệnh mắt của người già như thoái hóa hoàng điểm, glocom, bệnh lý võng mạc tiểu đường hay tăng huyết áp... Các bệnh lý trên có thể sẽ lại cướp đi thị lực của bệnh nhân cho dù đã mổ TTT thành công.
Nên mổ phaco kinh điển hay phaco có laser trợ giúp?
Nếu có kế hoạch mổ TTT, người bệnh sẽ có hai lựa chọn: Phaco kinh điển và phaco có laser trợ giúp. Phẫu thuật phaco kinh điển phổ biến và được công nhận về tính an toàn và hiệu quả. Phẫu thuật phaco có laser trợ giúp đắt đỏ hơn mặc dù nó có vài ưu điểm về độ chính xác và tính an toàn trong những trường hợp nhất định. Ví dụ bệnh nhân có loạn thị kèm đục TTT chẳng hạn, phương pháp này có thể hiệu chỉnh đồng thời loạn thị nhờ việc thiết kế chủ động đường rạch trên giác mạc. Như vậy, phương pháp phaco có laser trợ giúp ưu điểm nổi bật bởi khả năng điều trị loạn thị đi kèm đục TTT trong khi tính an toàn, độ giảm thiểu biến chứng còn đang cần thời gian thử thách.
Thời gian phục hồi sau phẫu thuật của cả hai phương pháp mổ như nhau. Một vài người nhìn sáng ngay, số còn lại phải chờ đợi 1-2 tuần. Cần nhớ rằng, 3 tháng là thời gian bình phục hoàn toàn của một phẫu thuật TTT.
Có thể trông đợi gì từ cuộc mổ đục TTT?
Với ai đó thì chỉ đơn giản là thay TTT bị đục bằng TTT nhân tạo (IOL) trong suốt. Một vài hoạt động khác cũng vẫn có thể phải đeo kính: đi nắng, chơi thể thao, đọc sách... Nhưng với những người khác phải là thị lực tối ưu mà không cần mang kính. Nhu cầu của cá nhân, ước muốn của họ kèm theo tư vấn của thầy thuốc sẽ là sự lựa chọn tối ưu cho tất cả các bên.
Để lựa chọn phương pháp nào phù hợp nhất, người bệnh nên có hiểu biết về hai phương pháp phẫu thuật này và trao đổi với bác sĩ, thậm chí hỏi han thêm những bác sĩ khác khi bạn chưa yên tâm để đi đến quyết định đúng đắn nhất.
BS. Hoàng Cương