1 tỷ người hút thuốc, 7 triệu người trên thế giới chết yểu mỗi năm

Clip Đại diện Thanh niên các nước châu Á- Thái Bình Dương cam kết Chọn Tuổi trẻ, chứ không chọn thuốc lá

Hội nghị châu Á Thái Bình Dương về Thuốc lá hay Sức khỏe (APACT 12) diễn ra từ ngày 13-15/9 năm nay tại Baili, Indonesia. Chủ đề năm nay là “Kiểm soát Thuốc lá vì các mục tiêu phát triển bền vững: Đảm bảo một thế hệ khỏe mạnh”.

Hội nghị thu hút khoảng 900 đại biểu từ 30 nước tới tham dự nhằm đưa ra các chiến lược sẽ thực thi để kiểm soát thuốc lá và tác động tại châu Á Thái Bình Dương, trong khuôn khổ các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và ưu tiên vì lợi ích của giới trẻ.

Chủ tịch APACT 12 Arifin Panigoro mở màn phiên khai mạc APACT12

Phiên khai mạc diễn ra vào sáng 13/9 với các diễn giả: Chủ tịch APACT 12 Arifin Panigoro, Bộ trưởng Y tế Indonesia Nila Moeloek, …. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) TS. Tedros Adhanom Ghebreysus đã gửi thông điệp hy vọng thông qua APACT lần này, chính phủ các nước sẽ thực thi tăng thuế thuốc lá để giảm tỷ lệ người hút thuốc, tạo ra một thế hệ thanh thiếu niên khỏe mạnh.

Indonesia: Thuốc lá rẻ hơn nước uống, 1/3 trẻ em dưới 13 tuổi tập hút thuốc

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia- Bambang Brodjonegoro cho biết: “Ngoài đạt Mục tiêu SDG 3, kiểm soát thuốc lá còn mang lại hiệu ứng cấp số nhân giúp đạt được cả 17 mục tiêu phát triển bền vững. “Cần phải có sự hỗ trợ đa ngành để tạo ra sự can thiệp hiệu quả trong kiểm soát thuốc lá”.

Bà Nila Moeloek, Bộ trưởng Y tế Indonesia phát biểu tại lễ khai mạc APACT 12

Còn trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Y tế Indonesia cho biết: “Nỗ lực giảm tiêu thụ và phơi nhiễm khói thuốc liên quan tới nhiều khía cạnh. Là hàng hóa, thuốc lá có mối tương quan kinh tế-xã hội. Làn sóng hút thuốc còn liên quan tới các vấn đề như quảng cáo, mối quan hệ với những người nông dân trồng thuốc lá, nhân quyền và quyền bảo vệ trẻ em”, bà Moeloek cho biết. Ở Indonesia, thuốc lá rẻ hơn cả nước uống, trẻ con có thể mua thuốc lá dễ dàng ở các trường học. Hơn 32% học sinh ở Indonesia tập hút thuốc khi chưa tròn 13 tuổi. Trẻ em cũng bị ảnh hưởng bởi khói thuốc từ cha mẹ và người lớn xung quanh. Khảo sát năm 2016 cho thấy trong số 87 triệu trẻ em trên khắp Indonesia, có đến một nửa bị phơi nhiễm khói thuốc.

Góc khuất của ngành công nghiệp thuốc lá ở Indonesia

“Ngành công nghiệp thuốc lá đang nhắm tới thị trường là đối tượng trẻ em”, bà Yohana Yembise, Bộ trưởng Trao quyền Phụ nữ và bảo vệ trẻ em Indonesia nói. Trong bài phát biểu của mình, bà tiết lộ sự thật về việc các nhà lãnh đạo của các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia nhắm tới trẻ em để các em bắt đầu hút thuốc từ rất sớm.

Sự thật về tác hại của thuốc lá và ngành công nghiệp thuốc lá luôn bị các tập đoàn này phủ nhận rằng họ đang đấu tranh vì lợi ích quốc gia. “Ngành thuốc lá và một số nhân vật cổ súy đã bóp méo các bằng chứng rõ rệt về tác động tiêu cực của thuốc lá. Các tập đoàn thuốc lá quốc tế khổng lồ đã lờ đi sự thật rằng thuốc lá khiến 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm”, ông Arifin Panigoro, Chủ tịch APACT12 nhấn mạnh.

Phiên khai mạc APACT 12

Chọn Tuổi trẻ, không chọn thuốc lá

Tại APACT 12, các bạn trẻ từ các nước châu Á Thái Bình Dương đã gửi thông điệp “Choose Youth, Not Tobacco” (Chọn Tuổi trẻ, Không chọn thuốc lá) để trở thành một thế hệ khỏe mạnh. Các bạn trẻ đại diện cho các nước châu Á Thái Bình Dương kêu gọi cần hành động ngay, trong đó có việc tăng thuế thuốc lá để giảm tỷ lệ người hút thuốc, đặc biệt ở thanh thiếu niên.

1 tỷ người trên thế giới hút thuốc và 7 triệu người chết yểu do khói thuốc mỗi năm là những con số khiến chúng ta phải suy nghĩ. 40% người lớn hút thuốc, trẻ em cũng nghiện theo. Khói thuốc sẽ ăn mòn sức khỏe của chúng ta và những người xung quanh. Hít khói thuốc đồng thời bạn “hít” thêm cả các căn bệnh lao, viêm phổi, ung thư phổi,… thậm chí gây dị dạng thai nhi. Không chỉ riêng người hút mà người hút khói thuốc thụ động cũng bị ảnh hưởng theo.

Giới trẻ châu Á Thái Bình Dương sẽ chọn Tuổi trẻ chứ không chọn thuốc lá

Nhiều chính sách đã triển khai ở các nước châu Á Thái Bình Dương để ngăn chặn “nạn dịch” thuốc lá lây lan. Australia đã tiến hành thực hiện chính sách bao bì thuốc lá trống trơn. Trong khi ở Philippines, áp thuế tối đa đối với thuốc lá được đưa ra để bảo vệ sức khỏe. Chính phủ Indonesia đã bắt đầu nhiều chính sách và hành động để hỗ trợ chương trình phòng chống thuốc lá. Bộ Y tế Indonesia đã khởi động phong trào lối sống lành mạnh GERMAS quy định về những khu vực không khói thuốc, chương trình chấm dứt thuốc lá (UBM), và cảnh báo về ảnh hưởng của thuốc lá tới sức khỏe bằng hình ảnh trên bao thuốc. Bộ Trao quyền Phụ nữ và Trẻ em đã đặt Môi trường không khói thuốc lá là một trong những nhân tố chính để tạo nên Thành phố Thân thiện với Trẻ em. Trong khi Ủy ban Kế hoạch Phát triển Indonesia đã lấy chương trình hành động quốc gia về SDG là đòn bẩy cho tất cả các chương trình và hành động để kiểm soát thuốc lá ở Indonesia. Cùng với nhau, các nước ở châu Á Thái Bình Dương sẽ tiếp tục bảo vệ người dân khỏi hiểm họa thuốc lá và đảm bảo việc kiểm soát thuốc lá mang đến hạnh phúc cho mọi cộng đồng.

Chiều ngày 13/9, chuyên gia Quỹ Phòng chống tác hại Thuốc lá của Việt Nam Nguyễn Thùy Linh trình bày về những thành tựu và thách thức của Việt Nam trong thực thi các chính sách kiểm soát thuốc lá (trong phiên thảo luận về Tài chính bền vững nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Bích Vân

(đưa tin từ Bali, Indonesia)